Đã 75 năm trở về với đất mẹ, nhưng tên tuổi của Liệt sỹ, nhà báo Trần Kim Xuyến (1921-1947) luôn được nhắc đến trong lịch sử dân tộc, lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam.
Người cách mạng kiên trung
Sinh năm 1921, tại xã Sơn Mỹ (nay là xã Tân Mỹ Hà), Hương Sơn (Hà Tĩnh) - một vùng đất học của xứ Nghệ. Nhà báo, liệt sỹ Trần Kim Xuyến xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, có 3 anh chị em, từ nhỏ ông tỏ ra rất thông minh, học giỏi. Khi ông lên 10 tuổi, cũng là thời điểm chứng kiến khí thế sục sôi của Phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh cũng như nhìn thấy sự dã man, độc ác của kẻ thù. Bởi vậy, ông sớm hiểu được nỗi thống khổ của người dân mất nước.
Trong suốt 4 năm học tại trường Quốc học Vinh, tỉnh Nghệ An, ông đã bí mật tiếp xúc với cách mạng, đọc sách bí mật của Đảng. Sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm làm ở tòa sứ tỉnh Bắc Giang (Hà Bắc).
Trong thời gian này, ông vừa bí mật hoạt động cách mạng, vừa công khai hoạt động xã hội. Năm 1943, Trần Kim Xuyến chuyển về Hà Nội hoạt động cách mạng.
Năm 1944, ông bị bắt và giam vào nhà tù Hỏa Lò. Ngày 9/3/1945, ông cùng một số đồng chí tổ chức vượt ngục, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.
Dấu ấn trong lịch sử nền Báo chí cách mạng Việt Nam
Là một cán bộ cốt cán, ông được giao nhiệm vụ đặc biệt, tham gia chuẩn bị phục vụ lễ Tuyên ngôn Độc lập, ra mắt của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội). Trần Kim Xuyến và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ông Lưu Văn Lợi... phụ trách việc thông tin, làm các khẩu hiệu theo ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp dán trên băng-rôn đỏ treo quanh khu vực lễ đài; chuẩn bị âm thanh, micro cho Bác Hồ phát biểu.
Cùng với các ông Trần Lâm, Chu Văn Tích, Trần Kim Xuyến còn được Bác Hồ chỉ thị tham gia thành lập Đài phát thanh Quốc gia. Sau Cách mạng tháng Tám, Trần Kim Xuyến được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, vận hành các cơ quan thông tấn, cơ sở vật chất kỹ thuật thông tin của chính quyền cũ. Tháng 1-1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Bắc Giang và là một trong những đại biểu trẻ nhất của Quốc hội.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trần Kim Xuyến có nhiệm vụ tham gia tổ chức di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, tài liệu quan trọng của Nha Thông tin Việt Nam sơ tán ra hậu phương. Ngày 3/3/1947, phát hiện đài phát sóng của ta ở chùa Trầm, thực dân Pháp huy động quân giới ào ạt tấn công, Trần Kim Xuyến đạp xe đi các nơi để chỉ huy việc sơ tán tài liệu. Ông bình tĩnh đưa tài liệu đến chỗ kín đáo. Khi vừa hoàn thành nhiệm vụ, thì ông bị trúng đạn liên thanh của quân Pháp, hy sinh tại Đầm Sen, xã Ngọc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn), huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Trước khi chết ông còn cố gắng hô to: "Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!". Được tin Trần Kim Xuyến hy sinh, Bác Hồ đã khóc.
Trong Giấy truy tặng ngày 19/3/1947 của Bộ Nội vụ ghi rõ công lao của ông: "Lúc còn sống, Trần Kim Xuyến là một cán bộ mẫn cán, nhiều năng lực và sáng kiến, có công lớn trong tổ chức Nha Thông tin Việt Nam. Trong trường hợp nguy hiểm, ông đã nêu gương can đảm, tận tâm mà hy sinh vì chức vụ. Trước khi chết lại cố gắng dùng hơi phút cuối cùng để tỏ lòng trung thành với Tổ quốc và Hồ Chủ tịch. Bộ Nội vụ nhiệt liệt khen ngợi đồng chí Trần Kim Xuyến đã nêu cao tinh thần hy sinh vì chức vụ, xứng đáng làm gương cho tất cả mọi người".
Ngày 23/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến, nhấn mạnh công trạng: "Là một cán bộ tuyên truyền có tài. Trước ngày khởi nghĩa đã tích cực hoạt động giữa Thủ đô Hà Nội, mặc dầu chịu sự khủng bố và kiểm soát chặt chẽ của Pháp và Nhật. Sau đó, đã có công lớn xây dựng Nha Thông tin và Đài Tiếng nói Việt Nam". Là nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam, một trong những đại biểu Quốc hội khóa I, đã hy sinh vì Tổ quốc, Trần Kim Xuyến xứng đáng là một tấm gương, một niềm tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam.
Vị lãnh đạo đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam
Trần Kim Xuyến là nhà lãnh đạo đầu tiên của TTXVN. Ông đã để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động Quốc hội, hoạt động báo chí, đặc biệt xây dựng TTXVN từ những ngày đầu bằng việc phát đi toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp vào ngày 15/9/1945; đến chỉ đạo công tác thu, phát tin tuyên truyền xây dựng chế độ mới, giới thiệu cho nhân dân thế giới hiểu đúng và ủng hộ Việt Nam... Ông đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Em trai ông, liệt sĩ Trần Kim Luyện cũng đã hy sinh tháng 2/1954 trong một trận chống càn ác liệt ở Hà Nam. Mẹ ông, cụ Nguyễn Thị Lan đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Ghi nhớ công lao của người lãnh đạo đầu tiên của ngành, năm 2013 TTXVN đã phối hợp với xã Sơn Mỹ nay là xã Tân Mỹ Hà (Hương Sơn, Hà Tĩnh) - quê hương ông, xây dựng nhà tưởng niệm Liệt sĩ Trần Kim Xuyến. Trong nhà tưởng niệm Trần Kim Xuyến, mỗi kỷ vật đều nhắc nhở về nhà báo quả cảm đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, khiến niềm tự hào, khâm phục dâng trào trong lòng mỗi người khi đứng trước bàn thờ liệt sỹ.
Cũng để tưởng nhớ ông, ngày 17/6/2017, chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017), 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, TTXVN đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ gắn biển tên đường Trần Kim Xuyến.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến chỉ 26 mùa xuân, tuy thời gian ngắn ngủi nhưng có cống hiến lớn. Với Liệt sỹ Trần Kim Xuyến dù ở bất cứ cương vị nào: nhà chính trị, nhà tuyên truyền, nhà báo, ông luôn tận tâm, tận lực, cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc. Vì vậy, ông hết sức xứng đáng khi được đặt tên cho một con đường ở Thủ đô Hà Nội.
Chân dung Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến
Đoàn công tác của TTXVN chụp ảnh với Lãnh đạo xã Sơn Mỹ cũ trong chuyến về thăm quê hương nhà báo, liệt sỹ Trần Kim Xuyến năm 2013
Và nhiều tư liệu về cuộc đời hoạt động của ông được lưu giữ cẩn thận tại nhà lưu niệm.
Nhà tưởng niệm nhà báo - liệt sỹ Trần Kim Xuyến trưng bày những hiện vật, tài liệu quan trọng liên quan đến cuộc đời hoạt động của ông
Nguồn tư liệu:
https://hatinh.dcs.vn/su-kien-noi-bat/news/le-gan-ten-duong-nha-bao-liet-sy-tran-kim-xuyen-tai-thi-tran-pho-chau.html
https://trian.vn/nha-bao-tran-kim-xuyen-liet-si-dau-tien-cua-nen-bao-chi-cach/d2020090415251431.htm
http://www.nguoiduatin.vn/tuong-nho-nha-bao-liet-sy-tran-kim-xuyen-a329891.html
http://hatinh24h.com.vn/nho-ve-nha-bao-dau-tien-cua-nen-bao-chi-cach-mang-viet-nam-a65262.html