Về Ngàn Phố, nhạc sĩ Trần Hoàn từng nói: “Em sinh khi mô mà tui đây nỏ biết… chỉ biết bay chừ xanh mướt những bờ cây”, không biết sông có tự bao giờ nhưng trong mông lung chuyện cũ cảu nội tôi thì xa xưa sông có tên Đỗ Gia ( theo tên huyện Hương Sơn cũ) bắt nguồn từ đại ngàn Sơn Kim. Và Sơn Tân cũ điểm cuối cùng, rồi sông hợp lưu với “dải lụa” Ngàn Sâu, khoác lên mình tên gọi mới La Giang.

Tạo hóa đã ban cho vùng đất Sơn Tân một nét vẽ tuyệt đẹp khi đặt bên này dòng chảy là trùng trùng Thiên Nhẫn hùng dãng như đàn thiên mã trong thế vươn lên phía trước – Nô đó có đền La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, có khe Nước Đổ và thành Lục Niên là căn cứ chống giặc Minh của Lê Lợi trong sáu năm liền… còn bên kia là làng mạc trù phú với ngàn dâu xanh mướt và những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, có làng mộc Xa Lang nổi tiếng khắp huyện, khắp tỉnh, lên cả triều đình với những người thợ không chỉ khéo léo mà còn có triết mỹ uyên thâm như bác Cả Mền, Phó Xuân, Phó Thảnh…Tương truyền Cả Mền (1868 - 1933) là một bậc thợ cả tài hoa trong làng mộc Xa Lang. Tài năng và cốt cách của ông được thừa hưởng từ nghiệp tổ tông, từ các vị cao tổ, tằng tổ họ Trần vốn là những nhà kiến trúc có biệt tài về tạo dáng, chạm khắc tinh xảo, điêu nghệ và thường xuyên thết kế, quy hoạch tổng thể các công trình hoành tráng. Từ thửa còn thanh niên, ông đã được tôn là bậc thợ cả, nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Đôi bàn tay vàng và đặc biệt là cảm quan thẩm mỹ, những quan điểm duy mỹ vừa sáng tạo vừa đạm đà tính dân tộc và phong cách dân gian độc đáo của ông nay vẫn còn in đậm dấu ấn trên những công trình đền đài, lăng tẩm như: đình Trung Cần, đình Hoành Sơn, Khiêm Cung lăng vua Tự Đức… Chuyện xưa kể lại, trong một cuộc thi tạo dáng, vẽ các mẫu hình chạm khắc và bố cục tổng thể của khu Đền Thánh – huyện đường Đỗ Gia cũ (thuộc Sơn Tân ngày nay). Hội văn thân Hương Sơn tổ chức và Thượng thư Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm chỉ đạo, giám sát công trình, cả Mền đã loại hàng chục đối thủ, trong đó có cả bản vẽ của Hoàng Giáp. Những lý lẽ giải thích cho sự phá cách, sáng tạo của Cả Mền đã hoàn toàn thuyết phục Nguyễn Khắc Niêm.. Trải qua thăng trầm của lịch sử, Đền Thánh ngày nay đã không còn, nhưng câu chuyện về bác Cả Mền vẫn lưu truyền khắp làng trên xã dưới như một huyền thoại. Và sau những biến cố của đời sống xã hội, sau một thời gia dài bị lãng quên, ngày nay làng mộc Xa Lang đang hồi sinh từng ngày với sức sống mạnh mẽ. Sinh thời nhà thơ Huy Cận cũng đã hết lời ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của Sơn Tân với những bờ sông rợp bóng cừa và lộc vừng, với hệ thống đền đài, chùa tháp, với rừng trúc đầy huyền thoại mang dấu ấn hai vị dũng tướng Trần Đạt và Trần Lệ mà về sau nhân dân lập đền thờ tôn hai vị làm thành hoàng của làng. Sau khi cuộc bình định của Lê Lợi thành công, vua Lê Thái Tổ sắc phong cho ngôi đền là Tối Linh Tự nhưng bà con vẫn quen gọi là Đền Trúc… Nhà thơ Huy Cận cho rằng quần thể kiến trúc hai bên bờ sông ở đây là một di tích nghệ thuật hiếm có, nó phản ánh rất rõ bản chất triết mỹ của người Việt, biểu hiện cho phẩm chất luôn vươn lên, hướng tới cái chân, thiện, mỹ của tổ tiên.

Dẫu ngày nay Ngàn Phố không còn cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập như mấy chục năm về trước, nhưng trong chuyến du giang của mình tôi vẫn bắt gặp những con thuyền ngược xuôi chất đầy hàng hóa. Họ là những ngư dân miền xuôi theo sông ngược ngàn với sản vật biển cả, và rồi lại xuôi về với đầy đủ thức ngon, vật lạ của núi rừng. Tưởng như nơi đây tồn tại hai dòng chảy ngược xuôi, hòa lẫn vào nhau của những nét văn hóa, những tập tục, tâm tư, tình cảm… của con người đồng bằng và miền núi. Và ở phương diện khác sông chính là tạo nên văn hóa cho những làng xã ven sông, khoác lên mỗi vùng đất nơi nó đi qua một sắc màu riêng biệt. Vùng hạ lưu như Sơn Hòa, Sơn Thịnh, Sơn Tân có lẽ là nơi được hưởng nhiều ưu đãi nhất từ sông. Dường như từ thượng nguồn trôi về, sông đã mang theo tất cả những gì tốt nhất  và lắng đọng trên vùng đất này, nuôi dưỡng ruộng đồng quanh năm tươi tốt, làng mạc trù phú. Dòng chảy hiền hòa, mềm mại mang tên Ngàn Phố ấy đã tạo cho cư dân nơi cuối dòng những khác biệt về ngoại hình và tố chất so với những vùng khác. Thôn nữ của vùng Thịnh Xá, Văn Giang, Xa Lang, Đậu Xá từng rất nổi tiếng với vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng rất riêng. Từ thượng nguồn sông đã mang về biết bao nguyên liệu để làm nên một Sơn Thịnh nổi tiếng với nghề đan lát và làm guốc mộc. Cũng từ dòng chảy này, những đôi guốc mộc, những nong, thúng… đã theo thuyền bè tới những vùng quê xa mang theo cả những nét văn hóa của vùng sông núi mà người thợ đã gửi gắm qua đôi tay khóe léo của mình. Và có mấy ai hay kẹo Cu đơ – đặc sản của Hà Tĩnh ngày nay là khởi nguồn từ nhà ông Cu Hai ở bến sông này… Ngược lên một chút là làng khoa bảng Sơn Hòa với hai dòng họ danh tiếng Nguyễn Khắc và Đinh Nho. Linh khí của dòng sông đã hợp với thổ nhưỡng tạo nên chốn đại linh nhân kiệt, trong đó phải kể đến những tên tuổi lớn như: Học giả, bác sĩ Nguyễn Khắc viện… họ đã được sinh ra ở đây, uống nước khúc sông này, ngụp lặn và lớn lên cùng con sông quê hương và trở thành những tài năng của tổ quốc.

Sông Ngàn Phố quả là món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất Hương Sơn. Đôi bờ ven sông là những làng mạc trù phú với bãi mía, nương dâu, ruộng lạc, ruộng ngô xanh mướt theo mùa như Sơn Châu, Sơn Ninh, Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Diệm, Sơn Quang… Làng mạc thanh bình yên ả, phong cảnh hữu tình vì thế còn là nơi tìm về của biết bao người con quê hương. Dẫu không được sinh ra và lớn lên ở đây, dẫu quê cha ở tận Hưng Yên nhưng cuối đời đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã tìm về với mảnh đất Tĩnh Diệm (Hương Sơn) quê mẹ. Và tại ngôi nhà Tượng Sơn nắm sát tả ngạn sông Ngàn Phố (nay thuộc Sơn Giang) ông đã hoàn thành 66 quyển của 28 tập bộ sách “Y tông tâm lĩnh” vô cùng quý giá đối với y học Việt Nam cả về y thuật lẫn y đức.

Càng về phía thượng nguồn không gian càng mờ đục hơn bởi bụi mưa. Bến vắng, người thưa, đò của những xóm vạn chài nằm biếng lười đợi nắng, sông vì thế trở nên trầm mặc hơn bao giờ hết. Qua những bãi lạ, đượng (nương) dưa là trùng điệp núi rừng với dáng vẻ uy nghi, hùng vĩ. Có lẽ chính phong thái núi non này đã tạo nên những người con anh hùng, bất khuất, kiên trung mà tên tuổi còn lưu danh tới muôn đời sau. Nhìn lại xa xa về mênh mang Lệ Đọng, ở đó những dấu tích về Cao Thắng – vị tướng tài ba, anh dũng của nghĩa quân Phan Đình Phùng… Nhân dân Hương Sơn có lẽ muôn đời không bao giờ vơi cạn niềm tự hòa về con người kiên trung, lỗi lạc của quê hương.

Trên chuyến đò dọc của mình, thi thoảng tôi gặp những bè nứa với những dáng người cô đơn xuôi dòng mà tưởng như bóng dáng tảo tần của mẹ tôi, chú tôi, anh tôi… Thuở cơ hàn lên rừng chặt nứa vè bán… Đã xa lắm rồi, đã thành ký ức rồi mà sao hôm nay tôi lại rưng rưng, nghẹn ngào đến thế… Pahir là sông đang nói cho tôi hay rằng cõi người vẫn chưa thể hết những cuộc đợi cơ cực?

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 257.993
    Online: 21