Cùng với rất nhiều vấn đề về y đức, y đạo, y lý, y thuật, dưỡng sinh… Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn đề cập rất nhiều đến hai chữ “lợi danh” trong các tác phẩm của mình, đặc biệt là trong Thượng Kinh ký sự.
Năm 1782, nội dung ghi chép lại những sự việc diễn ra trong chuyến đi từ Hương Sơn (Hà Tĩnh) lên Kinh đô chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm.
Trong tác phẩm này, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã ký chép rất chân thực, sinh động bức tranh xã hội đương thời, từ cuộc sống của giới thượng lưu đến tầng lớp bình dân, từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ con người đến cảnh sắc thiên nhiên, từ sinh hoạt đến trình độ của đội ngũ thầy thuốc cung đình… Qua Thượng Kinh ký sự ta thấy một lối văn giản dị, gần gũi, trung thành với hiện thực, không phê phán trực diện nhưng lại vô cùng tinh tế, sâu sắc.
Ngoài việc ghi chép hành trình lên Kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, Thượng Kinh ký sự còn gửi gắm nhiều tư tưởng, quan điểm của Lê Hữu Trác về cuộc sống, về thế sự, trong đó nổi bật là quan điểm của Hải Thượng Lãn Ông về vấn đề “lợi danh”, “danh lợi”, “công danh”,…
Chỉ với một thiên ký sự không dài nhưng có tới 10 lần tác giả sử dụng từ “lợi danh”, “danh lợi”, cùng với đó là gần chục từ có nghĩa tương đồng như “công danh”, “cái lợi”, “không tham”,… Có lẽ, trong văn học trung đại Việt Nam, ít có một tác phẩm nào đề cập nhiều đến vấn đề “lợi danh” như trong Thượng Kinh ký sự.
Ngay từ những trang đầu của tác phẩm, tác giả viết: “Mình thuở trẻ mài gươm, đọc sách. Mười lăm năm phiêu bạt giang hồ, không có cái gì là sở đắc. Mình đã xem công danh là vật bỏ, về núi Hương Sơn dựng lều, nuôi mẹ, đọc sách, mong tiêu dao vui thú trong cái vườn đạo lý của Hoàng Đế, Kỳ Bá, lấy việc giữ thân mình, cứu giúp người cho là đắc sách lắm. Nay không ngờ lại bị cái hư danh làm lụy đến nông nỗi này”[1].
Dọc hành trình đi từ Hương Sơn lên Kinh đô, mỗi khi dừng chân nghỉ ngơi hay qua các vùng núi non kỳ thú, tác giả đều đề thơ, ngâm vịnh ghi lại những cảm xúc của mình, đồng thời cũng không quên nhắc lại cái vòng luẩn quẩn của lợi danh. Khi đi qua đò Cấm (vùng Cầu Cấm - Nghệ An ngày nay), ông bộc bạch: “Thầm nghĩ đã ba mươi năm nay, mình xem cái trò danh lợi như ngọn nước chảy xuôi; chỉ lo vui chơi nơi rừng, suối, tự cho thế là đắc sách! Ai ngờ lòng mình đã không màng danh lợi, mà cái thân lại mắc vào chốn lợi danh…”[2].
Đến khi vào Trịnh phủ, xem và biết bệnh của Thế tử đã nặng, rốn đã lồi, chân tay gầy gò, phủ tặng yếu, nguyên khí hao mòn… Ông rất phân vân: “Bệnh thế này không bổ thì không được. Nhưng sợ mình không ở lâu, nếu mình làm có kết quả ngay thì sẽ bị danh lợi nó ràng buộc, không làm sao về núi được nữa…”[3].
Trong thời gian ở Kinh, biết tiếng của Hải Thượng Lãn Ông, đã có rất nhiều người tìm đến, người thì xin thuốc, người thì đàm đạo thơ văn. Ông bộc bạch: “Tôi ở Kinh chưa được nửa tháng mà từ các quan trong Kinh cho đến lính tráng, những người ngoài đường, nhiều người biết tiếng. Kẻ đến xin đơn, người nhờ bắt mạch, rất ồn ào…”, “Tôi nghĩ bụng: lúc đầu mình cũng chỉ muốn kiếm đủ tiêu thôi. Không ngờ, nay lại được nhiều gấp mấy lần. Nhưng lần này phú quý mình còn chẳng thiết tha nữa là cái lợi…”[4].
Cũng vì coi nhẹ lợi danh, bổng lộc, lại xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nên ông luôn dặn lòng: “Nhà ta mấy đời khoa giáp, theo lời dạy bảo của cha ông, lấy việc xu phụ nơi quyền quý làm xấu hổ…”[5]. Với Lê Hữu Trác, ông luôn sợ mình mắc vào vòng danh lợi, do vậy nên ông luôn tìm cách tránh xa mọi cám dỗ, ông sợ người đời chê cười: “Bấm đốt tay tính lại, đã ba mươi năm nay, mình tưởng đâu không sa vào cái vòng danh lợi, thế mà nay lại đến nông nỗi này chẳng khác như một người tù”[6], “thực mình không nghĩ gì đến danh lợi, thế mà cứ mắc mãi vào trong cái vòng cương tỏa, chỉ tổ để cho bạn bè chê cười..”[7].
Sau gần một năm “miễn cưỡng” lên Kinh đô chữa bệnh, chứng kiến cuộc sống của vương tôn thế tử, những buồn vui nơi kinh kỳ, Lê Hữu Trác tự đúc kết: “Mình ẩn thân nơi rừng suối, chẳng đoái hoài gì đến lợi danh. Bổng chốc bị triệu, phải chống gậy lên Kinh ngót một năm trời. Xin xỏ năm lần bảy lượt, mới được buông tha. Vạn nhất mình không kiên quyết, mang lấy một chức quan thì bây giờ danh lợi đã chẳng thành, mà cái thân lại bị nhục, hối thì đã muộn. May sao, lời thề núi cũ không quên, tuy thân mắc vào vòng danh lợi, nhưng vẫn không bị lợi danh mê hoặc…”[10].
Đặc biệt, quan điểm của ông về lợi danh không chỉ thể hiện qua suy nghĩ, tư tưởng của ông mà còn thể hiện qua nhận xét, đánh giá của người đương thời được ghi lại trong tác phẩm: “Ta không ngờ ông ta lại vô tâm đối với công danh như thế”[8], “Người đời lấy việc được làm quan làm vui, ông này lại lấy việc từ quan làm may, thật là khác người”[9].
Và cũng vì không bị lợi danh mê hoặc nên ông có phần hài lòng với những việc mình đã làm, chung quy lại là cũng bởi ông không tham: “Ra đi thung dung, trở về ngất ngưởng. Lại về núi cũ, lại nằm yên trên đá, lại ngủ dưới hoa. Đang khi mơ màng lại nghe đến việc xảy ra, giật mình bừng tỉnh. Rồi nghĩ bụng: Mình không đến nỗi bị thiên hạ chê cười, chỉ nhờ “không tham” đó thôi”[11]. Kết thúc Thượng kinh ký sự, Hải Thượng Lãn Ông thổ lộ: “Nhân khi nhàn rỗi, uống rượu, gảy đàn, chép lại đầu đuôi việc cũ để ghi nhớ lại. Khiến con cháu ở đời biết tùy duyên, thủ phận, biết tri túc tri chủ, lấy việc “không tham” làm vinh, xem đó làm gương”[12].
Đọc Thượng Kinh ký sự cho thấy sự giống nhau khá kỳ lạ giữa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Cả hai ông đều thuộc vào hàng kiệt xuất lúc bấy giờ, sống cùng thời, đều thức thời, cùng lựa chọn vùng núi Hương Sơn-Thiên Nhẫn để ở ẩn, từ bỏ mọi công danh, bổng lộc triều đình.
Nếu như với Lê Hữu Trác thì “người đời lấy việc được làm quan làm vui, ông này lại lấy việc từ quan làm may”, “vô tâm đối với công danh”, thì Nguyễn Thiếp cũng vậy, từ chối bổng lộc, lời mời làm quan của ba triều (Lê mạt, Tây Sơn, Nhà Nguyễn), “Phu tử thì ẩn không ẩn hẳn, ra không ra hẳn. Làm quan thì làm quan trên núi trại, nhận chức thì chỉ nhận chức giáo dục quốc dân. Lúc thấy đạo khó đạt thì thôi, không sợ uy quyền, không tổn danh giá”14].
Điểm gặp nhau giữa hai nhân cách lớn đó để lại cho người đời những bài học đáng suy ngẫm về lẽ sống. Đặc biệt, hiện nay, khi Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân thì bài học về “lợi danh”, “danh lợi” của Lê Hữu Trác lại càng có ý nghĩa. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nói: “Tiền bạc nhiều để làm gì... Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”.
Điểm qua một vài điều về “lợi danh” trong tác phẩm Thượng Kinh ký sự để thấy rằng, trước sau, Lê Hữu Trác luôn xem nhẹ công danh, lợi lộc, tránh xa mọi cám dỗ vinh hoa, phú quý, ưa cuộc sống nhàn nhã nơi thôn quê rừng núi, gắn bó với cuộc sống của người dân lao động.
Với ông, danh lợi chỉ là thứ phù du, tầm thường, như gió thoảng mây trôi, không đáng để cho người ẩn sĩ bận tâm. Và cũng có như vậy, ông mới chuyên tâm hành nghề làm thuốc, chữa bệnh cứu người, trở thành một bậc Đại danh y vĩ đại của dân tộc, để người sau mãi mãi tôn vinh. Đúng như lời thơ ông viết: Chỉ có tiếng thơm đời để mãi/ Giàu sang phú quý cũng phù vân.
Chú thích:
[1]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.10.
[2]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.14.
[3]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.35-36.
[4]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.45.
[5]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội,1989, tr.110.
[6]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.45-46.
[7]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.105.
[8]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội,1989, tr.40.
[9]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.42.
[10]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.143.
[11]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.143.
[12]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.143.
[13]. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, (Tái bản), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.263.
Nguyễn Tùng Lĩnh