Mùa hè đến, nhu cầu tham gia các hoạt động vui chơi, tắm biển, sông, suối, ao, hồ khá lớn, nguy cơ cao dẫn đến tình trạng đuối nước (nhất là trẻ em, học sinh, sinh viên). Do đó, vấn đề phòng, chống đuối nước cho trẻ càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết đối với gia đình, Nhà trường và xã hội.
Kính thưa quý vị và bà con nhân dân.
Ở cái tuổi mới lớn, các cháu sẽ luôn tự tin là người khỏe hơn người khác, thích thể hiện cá tính mạnh mẽ nên có thể sẽ làm những việc mạo hiểm vượt quá kỹ năng và sức khỏe của mình. Trong đó có việc tự ý theo bạn bè tắm biển, tắm sông, tắm suối, đùa nghịch ở ngay cả những địa điểm thường xuyên xảy ra đuối nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đuối nước như: không biết bơi, chơi ở những khu vực nguy hiểm như: có ao hồ, sông, suối, chơi ở những hố nước, các công trình xây dựng, bể, giếng nước có thành quá thấp, không có nắp đậy, tập bơi ở những nơi không có biển báo an toàn, tập bơi quá nhiều khi sức khỏe không đảm bảo, đi ra đường khi ngập nước bị sa chân xuống hố sâu. Thậm chí nhiều người lớn, bơi giỏi vẫn có nguy cơ đuối nước nếu như lơ là, chủ quan.
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước, chúng ta cần chú trọng thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Không tự ý lập nhóm đi tắm biển, tắm sông mà không có sự đồng ý và giám sát của phụ huynh và nhà trường.
Trong nhóm có một vài cháu không biết bơi, nghe bạn rủ rê và liều mình xuống nước thì nguy hiểm với cả bạn biết bơi và bạn không biết bơi.
2. Khi tập bơi trên sông thì chỉ được tập bơi ở sông cạn, nước ít chảy và cần phải có người bơi giỏi kèm cặp. Nên cho trẻ học bơi để hạn chế những nguy hiểm trong quá trình tham gia các hoạt động hàng ngày. Tốt nhất là học bơi theo lớp học chuyên nghiệp, do doanh nghiệp hoặc đoàn thanh niên địa phương đứng ra tổ chức. Phạm vi bơi cần được giăng phao giới hạn để kiểm soát khu vực học bơi.
3. Khuyến cáo các bạn học sinh, sinh viên, các em nhỏ không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước.
4. Chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Đối với trẻ em thì khi đi bơi cần có người lớn đi cùng, trông chừng và theo dõi trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Cần đảm bảo trẻ luôn mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền. Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có thì nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
5. Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục. Nhiều người thường nằm trên phao khi tắm biển. Điều này cũng khá nguy hiểm vì bạn sẽ dễ bị cuốn ra xa mà không biết, nhiều khả năng bạn sẽ bị sóng đánh úp, những cơn sóng dồn dập khiến bạn không biết xử lý như thế nào và sẽ bị uống nước nhiều, mất sức.
6. Các khu vực ao, hồ phải có hệ thống hàng rào chắn; sông, suối, hồ đập phải có biển cảnh báo.
7. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.
Làm gì khi bị đuối nước.
Nếu thấy mình bị đuối nước, ngay lập tức cần nhớ.
+ Kêu cứu thật to.
+ Bình tĩnh làm nổi người lên bằng cách hít một hơi dài, thả lỏng người.
+ Bơi theo dòng nước để thoát khỏi chỗ xoáy, chỗ sâu và bơi vào bờ.
+ Khi thấy người đuối nước phải ngay lập tức báo cho người xung quanh biết để ứng cứu kịp thời.
Các bậc phụ huynh, cần chủ động trang bị cho các con những kiến thức về phòng tránh đuối nước, để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
Việc phòng ngừa tai nạn đuối nước là rất cần thiết, đòi hỏi phải có sự phối hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội.