Giỗ tổ Hùng Vương là một ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam, 18 đời Vua Hùng đều xuất hiện trong các tác phẩm văn học, sách giáo khoa và trong lịch sử Việt Nam. Như vậy, theo truyền thuyết đất nước ta có 18 đời Vua Hùng. Mỗi đời Vua Hùng được tính là một triều đại, tương tự như nhà Lê, nhà Nguyễn… Và sau này có thể có 1 hoặc vài chục vị vua. Mặc dù chỉ có 18 đời Vua Hùng nhưng lịch sử ghi nhận vào thời kỳ này nước ta có tới 108 vị vua. Vậy giỗ tổ ngày nay là giỗ tổ ai?
Trong cuốn sách “Thế thứ các triều vua Việt Nam” của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, 18 vị Vua Hùng được liệt kê đầy đủ và rõ ràng. Tuy nhiên, sau phần danh sách, tác giả đã đưa ra một nhận xét thuộc một trong hai quan điểm được nhiều nhà sử học tạm chấp nhận: 18 vị Vua Hùng không phải là 18 người cụ thể, mà là 18 chi (nhánh/ngành), mỗi chi này có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu.
Theo những nghiên cứu và căn cứ trong “Đại Việt sử lược”, 18 đời Vua Hùng trị vì đất nước khoảng những năm 688-280 trước công nguyên. Vua đầu tiên là Kinh Dương Vương, tức Lục Dục Vương sinh năm Nhâm Ngọ (2919 tr. TL) lên ngôi năm 41 tuổi và vị vua thứ 18 là Hùng Duệ Vương sinh năm Canh Thân (421 tr. TL), lên ngôi khi mới 14 tuổi. Khi đó, người Lạc Việt gọi các vị vua nước Văn Lang là Hùng Vương.
Theo một số sử sách ghi lại, ngày giỗ tổ đã có từ cách đây 2.000 năm vào thời Thục Phán – An Dương Vương, trên cột đá thề được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, có ghi:
“Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.
Tiếp đến các đời vua sau luôn luôn ghi nhớ và khẳng định vai trò của thời đại các vị Vua Hùng đã xây dựng giang sơn, đất nước. Vì vậy mà hằng năm, người dân Việt luôn lấy một ngày để tưởng nhớ công ơn của các vị Vua Hùng, chính vì thế ngày Giỗ tổ Hùng Vương là ngày giỗ của các các vị Vua Hùng nói chung chứ không phải ngày giỗ của đích danh một ai.
Theo những chia sẻ của PGS-TS Bùi Xuân Đính, trước đây cha ông ta tổ chức ngày giỗ tổ vào tháng 8 nhưng cụ thể ngày nào thì chưa rõ. Ngay trong tấm bia Hùng Vương từ khảo do tuần phủ tỉnh Phú Thọ lập ở Đền Thượng trên núi Hùng xác nhận rằng, khi trước ngày giỗ tổ được tổ chức vào mùa thu, định kỳ hằng năm. Mãi đến thời Nguyễn năm Khải Định thứ 2 (1917), tuần phủ Phú Thọ đã trình bộ lễ định mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc lễ.