(thông tin thu thập tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh)
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) do Lê Lợi đứng đầu đã tập hợp được các anh hùng hào kiệt ở khắp nơi cùng nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Nguyễn Trãi đã tìm đến vị lãnh tụ áo vải của nghĩa quân Lam Sơn dâng: "Bình Ngô Sách" bàn kế đánh giặc.
Trong thời kỳ chống quân Minh xâm lược, Xa Lang, Đậu Xá thuộc huyện Đỗ Gia (nay là Hương Sơn - Hà Tĩnh) nằm trong vùng chiến lược, căn cứ địa hết sức cơ động và quan trọng của Lê Lợi.
Phía tả ngạn sông Phố bên phía Tây Bắc Xa Lang là dãy núi Thiên Nhẫn, ở đây Lê Lợi đã xây thành Lục Niên (cách Xa Lang 2,3 km) là nơi tập kết vũ khí, quân lương huấn luyện binh sĩ, là bàn đạp tấn công giặc Minh. Hiện nay thành Lục Niên vẫn còn dấu tích, nhiều địa danh mang dấu ấn của thời kỳ oanh liệt này vẫn còn như Mã Voi, Cấn Tống Binh, Bãi Voi Đạp Lúa, núi Hỏa Hiệu và đã trở thành di tích của lịch sử. Ngược dòng sông Phố, phía Tây Nam Xa Lang sở chỉ huy của Lê Lợi như: Đông Tiên Hoa, Xa Lang còn là nơi tiếp giáp với Linh Cảm còn gọi là Tùng Lĩnh, ngã ba Tam Soa nơi hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố hợp thành Sông La, là nơi đóng quân của Đinh Lễ, một vị trí vô cùng lợi của nghĩa quân, nay còn có di tích đền thờ Đinh Lễ và một số di tích khác.
Cũng theo khởi nghĩa Lam Sơn của giáo sư sử học Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn, khi nghĩa quân Lam Sơn về xây thành đóng quân ở thành Lục Niên và động Tiên Hoa, nhân dân các làng Đa Lộc, Nam Kim (Nam Đàn, Nghệ An ngày nay) và Xa Lang, Đỗ Xá (Hương Sơn hiên nay) đã nô nức cung cấp sức người và của cho nghĩa quân nổi dậy để giải phóng quê hương và tham gia giúp nghĩa quân Minh từ núi Thành theo sông Lam, sông La ngược lên sông Phố đánh vào Đỗ Gia hoặc từ núi Thành ngược lên dòng Lam qua truông Mèn hay truông Trảy vào đường Thượng Đạo chạy vào Đỗ Gia.
Nhiều chiến thắng của nghĩa quân ở Hói Nầm (Khuất Giang) ở vực Châu, trận thủy chiến trên sông Lam và sông La đã làm nức lòng quân dân cả nước. Nghĩa quân của Lê Lợi phát triển mạnh mẽ, đánh lùi nhiều cuộc tấn công của tướng Trương Phục nhà Minh, giữ gìn giang sơn bờ cõi, giữ yên cuộc sống cho nhân dân. Nhiều cuộc chiến đấu oanh liệt của nghĩa quân trên mảnh đất này đã được ghi chép trong sử sách và được lưu truyền trong nhân dân như những sự tích hào hùng của dân tộc, của đất nước.
Theo lưu truyền trong nhân dân địa phương, trong một trận kịch chiến với địch trên sông Ngàn Phố, một số bĩnh sỹ của nghĩa quân hy sinh hoặc bị thương, trong đó có hai ông Trần Đạt và Trần Lệ, hai tướng lĩnh của Lê Lợi không may trong cảnh binh đao bị trọng thương nặng. Nhân dân ở đây đã cùng quân sỹ chăm sóc cứu chữa, nhưng máu của hai ông chảy quá nhiều đọng thành vũng trên khu đất cao cạnh hữu sông Ngàn Phố trên địa phận Xa Lang và hai vị đã anh dũng hy sinh.
Để ghi nhớ công trạng đánh giặc và trân trọng gương dũng liệt hy sinh cao cả của hai vị tướng Lam Sơn, dân làng Đậu Xá, Xa Lang đã tôn kính dựng đền thờ hai ông ngay trên mảnh đất cạnh sông Ngàn Phố, nơi máu của hai ông đã đổ xuống vì sự nghiệp đánh giặc cứu nước.
Và hàng năm vào ngày 01/6 âm lịch, dân làng địa phương vẫn tổ chức tế lễ. Cũng theo truyền thuyết trên, máu của hai ông chảy đến đâu trúc mọc lên đến đấy, chẳng bao lâu trúc xanh tốt kín cả khu đền. Từ đó đền được mang tên là Đền Trúc. Thiên hạ đại định, vua Lê đã xuống sắc tấn phong cho hai ông là Thượng Đắng Tối Linh Thần, cho dân làng Đậu Xá, Xa Lang được thờ làm thành hoàng và đền còn được gọi theo sắc phong là :"Tối Linh Từ".
Qua thời gian năm tháng đền thờ hai vị tướng Lam Sơn luôn được dân làng thờ phụng thơm ngát hương khói, tỏa lan che chở phù giúp dân làng làm ăn sinh sống. Rất tiếc, do chiến tranh phá hoại làm mất mát hồ sơ tài liệu nên hiện nay thần tích, thần phả không còn, sử sách nói về cuộc chiến tranh chống quân Minh cũng không nổi bật hai ông, song trong đời sống tâm linh của người dân địa phương, hình ảnh hai ông đã trở thành những nhân vật hết sức thiêng liêng và hết thế hệ này đến thế hệ khác ca ngợi công đức hai ông như hai vị thành hoàng của địa phương không những ở Xa Lang mà cả vùng Đỗ Gia.
Ngày nay tuy cảnh quan bị thay đổi song trong tâm khảm người dân địa phương Đền Trúc vẫn là ngôi đền rất đẹp, tọa lạc trên một vùng đất sơn thủy hữu tình, là một ngôi đền rất linh thiêng và là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm đã nhiều lần nhắc đến: Trước đây khi đi ngang Đền Trúc, men theo con đường nhỏ chạy dài bên bờ sông Phố, khi bước vào ngôi đền thì thơm ngát mùi hương trúc, đi tới mốc đá "Hạ Mã" thì mọi người cất mũ nón cúi đầu đi qua. Cũng theo giáo sư Đinh Xuân Lâm thì trước cách mạng Tháng Tám đã có lần hướng đạo sinh tỉnh Thanh Hóa đã đến đền Trúc và có bài viết về Đền Trúc đăng ở báo "Bạn đường" mà ở thư viện ở Pháp vấn còn có lưu giữ. Giáo sư sử học Phan Huy Lê có lần đã cùng giáo sư Đinh Xuân Lâm dẫn sinh viên đi nghiên cứu về khời nghĩa Lam Sơn và khởi nghĩa Phan Đình Phùng đã có dịp đến Đền Trúc (lúc này Đảng ủy và UBND còn mượn khu vực hạ điện làm Trụ sở với những ấn tượng sâu sắc về mảnh đất lịch sử và ngôi đền này.
Đền Trúc đã qua rất nhiều lần trùng tu, Xa Lang là làng mộc rất nổi tiếng ở Hà Tĩnh cũng như làng mộc Thái Yên (Đức Thọ), thợ mộc Xa Lang với truyền thống làng nghề của mình đã có rất nhiều sản phẩm điêu luyện lưu hành gần xa và tạo tác nên nhiều công trình kiến trúc đền chùa điêu khắc chạm trổ điêu luyện tinh xảo với tài nghệ tuyệt vời. Đền Trúc dựng trên đất truyền thống làng mộc Đậu Xá, Xa Lang và cũng là sản phẩm tạo tác rất đỗi tự hào của dân làng mộc Xa Lang nổi tiếng.
Đến Đền Trúc, chúng ta không chỉ tưởng niệm các vị phúc thần có công lao đánh giặc hy sinh oanh liệt vì nền độc lập của đất nước, mà ở đây chúng ta được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc nghệ thuật tuyệt vời, với tài nghệ điêu khắc chạm trổ điêu luyện cùng với bào trơn bắp bén. Sản phẩm của những lớp nghệ nhân làng mộc cổ truyền Xa Lang./.