Chiến tranh đã lùi xa 45 năm nhưng những kí ức hào hùng và vinh quang của những ngày tháng 4 lịch sử - ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước thì vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người đã từng vào sinh ra tử vì Tổ quốc. Với những người lính từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Hương Sơn chuyện như vừa xảy ra…
Những ngày này, Đại tá Nguyễn Chí Dục ở xã Sơn Ninh, lại bồi hồi xúc động mang những kỷ vật của đời lính ra ngắm, để sống lại một thời hoa lửa, hào hùng. Lật giở từng trang nhật ký chiến trường, bao nhiêu kỷ niệm ùa về: khó khăn, gian khổ, ác liệt nhưng kiên cường và anh dũng. Ông bảo, đó không chỉ là cách để ông nghĩ về đồng đội, về những mất mát hy sinh mà đó còn là cả một quãng tuổi thanh xuân của mình.
Đại tá Nguyễn Chí Dục chia sẻ kỷ niệm thông qua những trang nhật ký chiến trường
Năm 1972, ông vào bộ đội. Sau thời gian huấn luyện cấp tốc, ông cùng đồng đội hành quân vào Quảng Bình, Vĩnh Linh, cho đến khi Hiệp định Pari được ký, đoàn quân của ông được giao nhiệm vụ bảo vệ Nam quân khu 4. Bước sang năm 1973 và 1974, ông cùng đồng đội tiếp tục hành quân vào miền Nam, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh tại trung đoàn 270, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4.
Ông Dục nhớ lại: Hành trình di chuyển vào Nam vô cùng gian khổ, vừa hành tiến vừa đánh địch, trên bom, dưới đạn, sống chết chỉ trong gang tấc. Đặc biệt là những hồi ức ác liệt 12 ngày đêm, bắt đầu từ 5h40 ngày 9/4/1975 đơn vị của ông chiến đấu đánh chiếm Xuân Lộc, rồi chiếm sâu vào sân bay Biên Hòa. Lúc này, phía trước là địch, phía sau cũng là địch, trên thì máy bay, trực thăng thả bom. Nhưng, với quyết tâm giữ vững trận địa, ông và đồng đội đã chiến đấu ngoan cường, nhiều đồng đội hy sinh anh dũng để giải phóng từng tấc đất Miền Nam.
Sau chiến thắng 30/4, ông cùng đồng đội đã ở lại tham gia xây dựng chính quyền cách mạng Thành Phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ năm 1975 - 1977.
Cũng trong dịp này, tại thôn Tân Tiến, xã Sơn Tân, Chi hội CCB Tân Tiến đã tổ chức một cuộc gặp mặt để những người lính năm xưa được ngồi lại bên nhau. Mỗi người một câu chuyện, một ký ức nhưng tất cả đều có chung tâm trạng xúc động, tự hào khi mình là một trong những người đã góp sức làm nên chiến thắng 30/4, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhập ngũ cùng thời gian với ông Dục, ông Nguyễn Đình Thi cho biết: Nhận lệnh của Tổng tham mưu chỉ đạo cho các cánh quân lúc bấy giờ “Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa...”, ông cùng đơn vị từ Quảng Nam hành quân thần tốc vào Sài Gòn. Quá trình hành quân, vừa hành quân vừa chiến đấu, với tinh thần quyết tâm cao là không sợ hy sinh, gian khổ. Chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh, bản thân càng phải quyết tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ.
Chi hội CCB thôn Tân Tiến, xã Tân Mỹ Hà tổ chức gặp mặt ôn lại truyền thống
45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4)
Sau nhiều ngày chiến đấu gay go, quyết liệt, đến trưa ngày 30/4/1975, khi đội quân của ông đang ở rừng cao su (Tây Ninh), bất ngờ nghe thấy phía trước tiếng súng nổ rền trời, đoàn quân cũng đồng loạt nổ súng, sau khoảng 15 phút, chính trị viên đại đội báo tin, miền Nam đã được giải phóng, anh em chiến sĩ vui sướng, reo hò, hát vang... đó là những cảm xúc không thể nào quên.
Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Dục cũng như ông Nguyễn Đình Thi được cử đi học và tiếp tục phục vụ chiến trường. Đến năm 1979, các ông cũng tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam, sau đó đều là những người lính tham gia lâu dài trong quân đội.
Với Cựu chiến binh Phạm Hồng Sơn - Chi hội trưởng hội CCB thôn Tân Tiến, xã Sơn Tân: Mỗi người lính như chúng tôi khi được trở về với gia đình đều thấy mình thật may mắn và muốn dốc hết tâm sức để xây dựng quê hương. Phát huy phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, mỗi CCB đều tiên phong, gương mẫu trong các phong trào thi đua "Chung sức xây dựng NTM" và tuyên truyền giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ...
Sau 45 năm kể từ ngày tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giờ đây dù mỗi người có hoàn cảnh sống khác nhau nhưng ở họ cùng hội tụ một điểm: Họ đã dành trọn tuổi thanh xuân để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, dành trọn 2/3 cuộc đời để phục vụ quân đội và giờ đây trở về với đời thường lại tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương.
Những ký ức đau thương nhưng hào hùng của người lính là bài học về tình yêu quê hương, đất nước, về trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam đối với sứ mệnh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, là tài sản quý giá để lại cho các thế hệ mai sau.
Đại tá Nguyễn Văn Thảo - Phó Chủ tịch CCB huyện cho rằng: Chiến thắng 30/4/ 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần yêu nước, dũng cảm, ngoan cường của Quân đội và nhân dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Trong đó, có sự đóng góp một phần sức lực, trí tuệ, sự hy sinh xương máu của những người con ưu tú trên mảnh đất Hương Sơn.
Theo ông Thảo, thành quả hôm nay được đánh đổi bằng xương máu của các thế hệ cha anh, thì trách nhiệm của thế hệ trẻ là phải ra sức thi đua lao động, học tập, cống hiến bảo vệ và xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh./.