Sáng ngày 19/5/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh năm 2022. Đồng chí Trần Thế Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh

 

Hội nghị được kết nối từ điểm cầu UBND tỉnh đến 347 điểm cầu cấp huyện, cấp xã và các đảng bộ, chi bộ trực thuộc với sự tham gia của hơn 15.000 đại biểu.

Tại hội nghị, đại biểu được nghe báo cáo tình hình văn hóa Hà Tĩnh giai đoạn 1998 - 2022; định hướng, giải pháp phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng qua video trình chiếu.

Sau hơn hai mươi năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 05/10/1998 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (khóa XIV) về xây dựng và phát triển văn hóa Hà Tĩnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và các chủ trương, nghị quyết khác của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực văn hóa, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng Nông thôn mới được đẩy mạnh. Phong trào thể thao quần chúng ngày càng phát triển, liên tục nằm trong 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc; thể thao thành tích cao giành nhiều kết quả nổi bật. Việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đạt kết quả thiết thực. Nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục, phát huy. Các thiết chế văn hóa được đầu tư khá quy mô, phát huy hiệu quả. Công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học được quan tâm triển khai. Văn hóa phi vật thể và các hình thức sinh hoạt cộng đồng được quan tâm, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát huy. Việc bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm. Hệ thống thông tin đại chúng phát triển nhanh từ tỉnh đến cơ sở. Hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin tiếp tục được đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà luôn sáng tạo, say mê cống hiến, tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Các chính sách văn hóa đối với tôn giáo và hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa toàn diện; tiềm năng văn hóa ở một số địa phương, đơn vị chưa được khai thác, phát huy; lĩnh vực văn học, nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh và yêu cầu phát triển của tỉnh; công tác tuyên truyền, vận động xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh chưa thường xuyên, liên tục; môi trường văn hóa chưa thực sự văn minh, lành mạnh...

Báo cáo cũng đề ra 10 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 10 nhóm giải pháp cần thực hiện trong giai đoạn mới. Đó là phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Hà Tĩnh có các thiết chế văn hóa cấp tỉnh gồm: Bảo tàng tỉnh, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh; 100% huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - Thể thao. Lập hồ sơ xếp hạng 1- 2 di tích quốc gia đặc biệt... Phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh có Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh. Bảo đảm 90% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, 100% các xã miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh truyền hình, phát thanh của quốc gia và địa phương. Phấn đấu trên 95% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; trên 98% thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa; trên 80% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 100% xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới; 80% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Đầu tư, hỗ trợ xây dựng, bảo tồn các làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Trên 90% cán bộ quản lý văn hóa các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ.

Tại hội nghị, đã có 12 tham luận được trình bày nhằm đưa ra các giải pháp vì sự phát triển văn hóa Hà Tĩnh.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm về văn hóa trong thời gian tới. Đó là cả hệ thống chính trị toàn tỉnh phải thể hiện quyết tâm cao, đề ra các cơ chế, chính sách cụ thể để khơi dậy truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương; khơi dậy ý chí, khát vọng của mỗi người dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Phải xác định, chỉ đạo phát triển lĩnh vực văn hóa là trách nhiệm thường xuyên của hệ thống chính trị, nhất của những người đứng đầu. Các địa phương, đơn vị phải hết sức chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Khai thác, sử dụng hiệu quả nhà văn hóa cộng đồng, tạo sân chơi bổ ích cho các lứa tuổi, lưu giữ nét đẹp văn hóa làng quê bằng việc khôi phục các bộ môn thể thao, trò chơi dân gian. Thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, truyền thông, đáp ứng yêu cầu chuyển tải các giá trị văn hóa đến công chúng.

Cổng thông tin điện tử huyện Hương Sơn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 231.127
    Online: 16